28/05/2024

Ngày 22/5/2024, tại xã Long Đức, huyện Long Phú. Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Sóc Trăng đã tổ chức buổi lễ khởi động thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và triển khai mô hình thí điểm canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón tại tỉnh Sóc Trăng.

Ký kết liên kết tiêu thụ tại Lễ khởi động Đề án

Đến dự buổi lễ có ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diên lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện, thị xã, thành phố và thành viên các HTX trong vùng tham gia đề án.

Mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu ha lúa chất lượng cao, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo thích ứng với biến  đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500 ha, có 78 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Đến năm 2030: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 72.000 ha, có trên 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Địa điểm thực hiện trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trồng lúa tại tỉnh là: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề,Thị xã Ngã Năm, Thành phố Sóc Trăng.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã định hướng nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quá trình thực hiện đề án như rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững. Tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực. Áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách. Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch. Xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh đạt được mục tiêu hiệu quả cao nhất.

Tại buổi lễ đại diện giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú đã hạ quyết tâm áp dụng quy trình sản xuất phù hợp tạo ra sản phẩm tốt, đạt chất lượng và đảm bảo số lượng đủ sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ trên thị trường hiện nay.

Trước đó, các đại biểu đã được tham quan thao diễn mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao phác thải thấp vụ lúa hè thu năm 2024 với diện tích 50 ha tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi. Đây là cánh đồng thí điểm thứ 2 trong vùng triển khai đề án nhằm tìm ra những thế mạnh cần phát huy và kịp thời khắc phục các khuyết điểm để thực hiện đề án hiệu quả hơn. Tại buổi khởi động cũng diễn ra việc ký kết thỏa thuận nguyên tắc hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ lúa ST25 (3 vụ sản xuất 2024-2025) giữa 03 đơn vị gồm: HTX nông nghiệp Hưng Lợi và Công ty cổ phần MTK Hữu Thành, Công ty cổ phần gạo Ông Thọ.

Tin rằng với sự quyết tâm của các địa phương, sự quan tâm của các bộ, ngành liên quan việc khởi động đề án cùng với việc triển khai các mô hình thí điểm sẽ giúp tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung để triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp đúng mức cho các địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã nhằm hoàn thành mục tiêu hình thành một triệu ha lúa chất lượng cao, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo thích ứng với biến  đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

                                                                              Hồ Đẹp

Bài viết liên quan :

Địa chỉ: Số 475 Lê Duẩn; phường 9; TP Sóc Trăng

Địện thoại: 02993.820315

Email:bantinktttlmhtxst@gmail.com