TIN TỨC > HỢP TÁC XÃ
30/05/2022
Thời gian qua, việc “Sản xuất lúa gạo bền vững” vùng Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng gọi tắt là Dự án VnSAT với mục đích là xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa, gạo giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa mang tính ổn định, lâu dài, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, việc tạo ra sản phẩm gạo an toàn cung ứng đến người tiêu dùng góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đối với huyện Châu Thành có diện tích đất trồng lúa 16.632 ha chiếm tỷ lệ 70% đất tự nhiên, theo đó vùng dự án VnSAT huyện Châu Thành gồm 6 xã gồm Hồ Đắc Kiện, Phú Tâm, Phú Tân, An Hiệp, Thuận Hòa và Thị Trấn Châu Thành có tổng diện tích là 6.803 ha với 5.547 hộ nông dân canh tác. Những năm qua, để thực hiện thành công dự án VNSAT. UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo ban hành xây dựng nhiều Chương trình, kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất là huyện đã thành lập và hàng năm tổ chức kiện toàn Tổ dự án VnSAT huyện, đồng thời xác định những vùng sản xuất lúa để thực hiện dự án. Trong vùng dự án huyện có tổng số 7 hợp tác xã, đạt 100% chỉ tiêu. Dự án VnSat tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Phước An xã Phú Tân được đầu tư trên 11,9 tỷ đồng, Hợp tác xã Thọ Hòa Đông A xã Phú Tâm trên 9,3 tỷ đồng và Hợp tác xã Tân Tiến xã Hồ Đắc Kiện với mức đầu tư 9 tỷ đồng.

 

 Quang cảnh HTX Nông nghiệp Thọ Hoà Đông A được dự án VnSat tỉnh đầu tư khang trang

Nhờ áp dụng mô hình canh tác lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và sản xuất lúa giống, bà con tăng thêm lợi nhuận từ 1-4 triệu đồng/ha (tùy vụ) so với cách làm truyền thống, qua đây góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Thông qua các lớp đào tạo kỹ thuật kết hợp với hội thảo đầu bờ đã từng bước thay đổi hành vi và thói quen sản xuất lệ thuộc vào hóa chất, thay vào đó là hướng nông dân canh tác lúa an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc giảm lượng lúa giống trong gieo sạ để giảm phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vẫn đảm bảo, từ đó đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, Tổ Dự án VnSAT huyện Châu Thành còn kết nối với doanh nghiệp tham gia cùng nông dân từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nên tạo tâm lý an tâm canh tác lúa cho bà con, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, giúp tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa.

Thời gian tới, Tổ Dự án VnSAT huyện Châu Thành tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp đào tạo, tập huấn nông dân để bà con ứng dụng được những nội dung của dự án trên cánh đồng của mình. Trong đó, ưu tiên thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với vùng chuyên canh, phát triển cánh đồng sản xuất tập trung nhằm tạo điều kiện phối hợp tốt giữa doanh nghiệp với người nông dân. Phát huy tối đa công tác vận động nông dân tiếp tục tham gia vào các tổ hợp tác, xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương./.

 

Trần Thu Ngân

Bài viết liên quan :

Địa chỉ: Số 475 Lê Duẩn; phường 9; TP Sóc Trăng

Địện thoại: 02993.820315

Email:bantinktttlmhtxst@gmail.com